Ngày xưa, người con gái Giẻ Triêng nào cũng biết dệt thổ cẩm. Việc dệt thổ cẩm để làm ra những tấm chăn, tấm choàng, váy, khố… đẹp là bổn phận của người phụ nữ. Tấm dệt đẹp nói lên phẩm hạnh của người phụ nữ, người nào chăm chỉ dệt, dệt đẹp sẽ được trai làng để ý, thương nhớ; người con gái nào không biết dệt thổ cẩm là thua kém, chưa làm tròn bổn phận của mình… Không chỉ biết dệt thổ cẩm, người con gái Giẻ Triêng ngày trước còn phải học các mẹ, các bà trồng bông, hái bông và xe sợi.
Hái lá cây rừng, cắt dây, đào củ làm màu, nhuộm sợi thổ cẩm trước khi dệt. Muốn sợi màu gì thì phải tìm lá cây, dây hay củ để làm ra màu nhuộm cho phù hợp. Ví như màu đen thì tìm lá chùm, màu vàng tìm củ nghệ, màu trắng tìm dây khe ruộng
Lớp con gái trẻ bây giờ thường không để ý đến việc trước đây; người làng bây giờ cũng không ai trồng bông nữa, nên cây bông từ lâu đã vắng bóng ở làng. Thổ cẩm bây giờ dệt bằng sợi chỉ, sợi len mua ở ngoài thị trường, chị em muốn dệt thì bỏ tiền mua.
Thổ cẩm của người Giẻ Triêng làm bằng sợi bông mềm, bền, ấm và đẹp hơn thổ cẩm bằng sợi chỉ, sợi len. Tự hào về thổ cẩm truyền thống của người Giẻ Triêng làm bằng sợi bông, qua bao ngày tháng, tấm thổ cẩm vẫn mịn màng, không có một vết nhăn và giữ được sắc màu tươi nguyên.
Dệt thổ cẩm là giữ lại cái nghề, là lưu giữ bản sắc dân tộc. Nếu dệt thổ cẩm vì mục đích kiếm tiền, vì mục đích lợi nhuận chắc không ai dệt. Bởi hiện dệt một tấm đắp đôi mất hơn 10 ngày, tấm đắp đơn mất 5 ngày, váy mất 4 ngày… trong khi tấm đắp đôi dài 3,5 mét, rộng 1 mét giá bán chỉ 1,2 triệu đồng, tấm đắp đơn giá 500 nghìn đồng và tấm váy 600 nghìn đồng. Nếu trừ tiền chỉ, len có khi huề vốn hoặc lãi không đáng kể
Quy trình làm ra sợi để dệt thổ cẩm của người Giẻ Triêng rất công phu. Khó và kỳ công nhất là công đoạn tạo màu sợi chỉ. Đầu tiên, phụ nữ phải nhờ đàn ông trong gia đình vào rừng chặt cây trôm (một loại cây rừng) về ngâm trong hũ đất 3 đêm, rồi vắt lấy nước. Lấy vỏ con ốc (ở suối) đốt thành tro, giã thành bột. Lấy 2 nguyên liệu trên trộn lẫn với tro bếp, rồi mang ủ trong vòng 4 đêm, hỗn hợp tạo nên dung dịch nước màu nâu. Mang sợi bông ủ vào dung dịch nước màu này nhiều ngày. Muốn thổ cẩm có màu đen, phụ nữ tiếp tục dùng nếp than và củ câm (loại củ rừng, có màu đỏ) luộc nhừ, lấy nước; rồi tiếp tục cho sợi bông vào ủ đến khi ngả sang màu đen tuyền thì mang vắt ráo, phơi khô…
Làng Đăk Răng hiện có khoảng 30 phụ nữ duy trì thường xuyên nghề dệt thổ cẩm. Để giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Hiện nay, làng Đăk Răng đã thành lập tổ nghệ nhân do già Brôl Vẻ làm tổ trưởng, thu hút 30 thành viên tham gia gồm nghệ nhân cồng chiêng, chế tác nhạc cụ truyền thống, tạc tượng, dệt thổ cẩm…
Ngoài việc tham gia các sự kiện, lễ hội văn hóa do các cấp tổ chức, tổ nghệ nhân làng Đăk Răng còn đảm nhận nhiệm vụ truyền dạy văn hóa dân gian truyền thống của người Giẻ Triêng cho thế hệ trẻ trong làng để tiếp tục gìn giữ nghề dệt thủ công truyền thống.