Cũng như đan lát, rèn, làm gốm…, dệt thổ cẩm là nghề thủ công có từ lâu đời của đồng bào các DTTS tỉnh. Nhờ tính cần cù, chịu khó, lại tỉ mỉ, khéo léo của những người phụ nữ đảm đang; thổ cẩm được trao truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ, góp phần làm giàu thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng.
Ghi nhận từ một lớp truyền nghề…
Y Hiền – học sinh lớp 12 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đăk Hà là 1 trong số 15 nữ thanh niên, thiếu niên làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà tham gia lớp dạy nghề dệt thổ cẩm do huyện Đăk Hà tổ chức tại địa phương. Lớp học vào chiều thứ 7 và sáng chủ nhật trong các tuần nên thuận tiện duy trì tỷ lệ chuyên cần. Sau tấm thổ cẩm đầu tiên, Y Hiền tiếp tục dệt tấm thổ cẩm thứ hai với nền đen trơn chủ đạo và hoa văn nhiều màu sặc sỡ để may thành áo, váy.
Y Hiền phấn khởi: “Trước khi dệt vải, phải se sợi, làm chỉ. Công việc đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Ban đầu thấy hơi khó, nhưng dần dần chúng em thành quen. Chỉ học vào thứ 7, chủ nhật thôi, nhưng chúng em đều đã dệt được rồi.”
Không phải được sinh ra từ đây, nhưng Kon Trang Long Loi đã là mảnh đất gắn bó cuộc đời bà Y Wuất, kể từ khi dân làng dời từ làng cũ đến đây định cư. Có bề dày văn hóa đáng tự hào của người Rơ Ngao (Ba Na), nên dệt thổ cẩm cũng là một trong số nghề thủ công truyền thống được bà con giữ gìn. Làm quen với khung cửi lúc 14-15 tuổi, bà Y Wuất giờ đã 70 mùa rẫy, trải qua nhiều thăng trầm với khung cửi, sợi chỉ. Sau một thời gian dài bị gián đoạn vì cuộc sống bận rộn, vất vả mưu sinh, từ năm 2000 đến nay, cùng với cồng chiêng – xoang và những giai điệu đàn hát dân ca, dệt thổ cẩm ở Kon Trang Long Loi đã được khôi phục. Cùng với bà Y Wuất lão luyện, trong làng còn bà Y Yáp, Y Len… tâm huyết “giữ hồn khung cửi”.
Khởi thủy lâu đời, thổ cẩm được dệt từ sợi bông se và nhuộm màu bằng cây, lá, vật liệu tự nhiên. Sau này, đã có sẵn sợi chỉ đủ màu, đủ cỡ; song công đoạn làm tay để tạo ra tấm vải vẫn không thay đổi. Tuy không vất vả, nặng nhọc như các công việc khác, song dệt thổ cẩm cần nhiều thời gian và sự kiên trì, tỉ mỉ, đặc biệt là sự khéo léo, sáng tạo. Vì vậy, lần đầu tiên, một lớp truyền dạy thổ cẩm được huyện Đăk Hà quan tâm mở tại làng Kon Trang Long Loi đã mang đến sự khởi sắc vô cùng ý nghĩa trong việc khôi phục nghề truyền thống. Các nữ nghệ nhân đều nhiệt tình, tâm huyết chỉ dạy, hướng dẫn các cháu, từ chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ, đến se sợi, phối màu, dệt trơn, dệt hoa văn…
“Mình già rồi, còn sống được đến đâu thì ráng dạy cho bọn trẻ đến đấy để lỡ mất đi thì thổ cẩm vẫn còn với con cháu …” – Nghệ nhân Y Wuất tâm tư.
Nghệ nhân Y Yáp cho hay: Đẹp nhất, độc đáo nhất trên tấm thổ cẩm là hoa văn, song khó dệt nhất cũng là những hoa văn này. Có nhiều mẫu hoa văn lắm, từ vuông, tròn, tam giác, đến hình cái lá, cái cây, con chim, con sóc, ghè rượu… Mỗi hoa văn từ dễ đến khó là quá trình lâu dài người thợ cần học hỏi, mất nhiều công sức tập luyện mới làm được. Dạy cho các cháu, ban đầu, chỉ dạy dệt trơn, dệt hoa văn đơn giản thôi, còn lâu dài, ai yêu thích mới có thể làm được hoa văn phức tạp.
Quyết tâm giữ nghề
Để góp phần khôi phục nghề truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, thời gian qua, nhiều lớp dạy dệt thổ cẩm đã được các ngành, các địa phương trong tỉnh tổ chức, thu hút chị em phụ nữ, nhất là các bạn trẻ tham gia. Nỗ lực duy trì nghề dệt thổ cẩm được kết nối, tạo sự gắn kết giữa những người thợ đồng thời nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm còn không ít khó khăn. Không chỉ hoạt động đơn lẻ ở gia đình, một số tổ hợp tác dệt thổ cẩm đã ra đời ở làng Kà Đừ, làng Chốt (thị trấn Sa Thầy), làng Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum)… Dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ gia đình và cộng đồng, mà từng bước trở thành sản phẩm hàng hóa. Mô hình du lịch cộng đồng tại các thôn, làng thu hút du khách tìm hiểu, trải nghiệm thực tế nghề dệt thổ cẩm.
Triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh, một trong số nội dung được xác định là hỗ trợ phát triển 4 ngành nghề truyền thống đã có sản phẩm hàng hóa tham gia thị trường, trong đó có dệt thổ cẩm. Gắn với yêu cầu hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống nguy cơ thất truyền, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp với địa phương mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho hơn 20 chị em người dân tộc Rơ Măm làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy.
Bên khung cửi. Ảnh: Thế Binh
Ở làng Kon Klor (phường Thắng Lợi), chị Y Thoai – chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm đã đứng ra kết nối các nghệ nhân dệt thổ cẩm để chủ động nguyên liệu làm ra các sản phẩm đặc trưng – từ váy, áo, khố, khăn đến những chiếc ví, túi xách – góp phần bổ sung sản phẩm du lịch và tạo việc làm cho chị em đồng bào Ba Na tại chỗ từ nghề truyền thống được lưu giữ.
“Không có nhiều vốn, nhưng em cố gắng nhận tấm thổ cẩm nào là thanh toán tiền cho chị em tấm đó. Chị em không có tiền mua sợi dệt thì mình còn tạm ứng chỉ cho họ nữa. Cũng mừng là hàng thổ cẩm làm ra được khách hàng ưa thích. Cũng vui vì chị em đã góp phần giữ nghề thổ cẩm của bà, của mẹ ngày xưa…” – chị Y Thoai chia sẻ.
Giữ nghề dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần phục vụ sinh hoạt đời sống hàng ngày của đồng bào các DTTS tại chỗ. Vì vậy, để sản phẩm dệt thổ cẩm của phụ nữ trên địa bàn tỉnh thực sự trở thành hàng hóa, thành sản phẩm du lịch được yêu thích, vấn đề đặt ra là gắn với chương trình phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ đồng hành phát triển sản xuất – kinh doanh, các cấp, ngành và các cấp hội phụ nữ trên địa bàn cần định hướng tổ chức duy trì hợp lý nghề truyền thống này.
Thanh Như